Cua đồng là món ăn được rất nhiều người yêu thích trong mùa hè và đem lại nhiều công dụng tốt cho sức khỏe, tuy nhiên, một số người được khuyến cáo nên hạn chế ăn vì có thể gây ra bất lợi cho sức khỏe.
Vào ngày hè nóng bức, trong các bữa ăn của gia đình Việt, nhất là vùng nông thôn đa phần không thể thiếu món canh cua nấu rau đay, mồng tơi hoặc hoa thiên lý…
Theo lương y đa khoa Vũ Quốc Trung (Hội Đông Y Hà Nội), thịt cua đồng có vị mặn tanh, ngọt, có tính hàn. Đây là món ăn bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe đặc biệt vào mùa hè.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, cua đồng có hàm lượng dinh dưỡng cao và có nhiều khoáng chất tự nhiên có lợi cho cơ thể, làm giảm nguy cơ mắc các bệnh như suy giảm trí nhớ, tim mạch, thậm chí cả ung thư.
Dù là món ăn được rất nhiều người yêu thích trong những ngày hè nóng nực và đem lại nhiều công dụng tốt cho sức khỏe, tuy nhiên, một số người được khuyến cáo nên hạn chế ăn cua đồng vì có thể gây ra một số bất lợi cho sức khỏe. Cụ thể:
– Phụ nữ mang thai: Phụ nữ mang thai, đặc biệt là trong giai đoạn 3 tháng đầu của thai kỳ không nên ăn cua đồng, do cua đồng dễ gây sảy thai; hoặc ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của thai nhi, ngoài ra do tính hàn nên dễ gây đau bụng.
– Người vừa ốm dậy: với những người mới khỏe lại sau bệnh, đường tiêu hóa còn chưa được phục hồi hoàn toàn cũng chưa vội ăn cua đồng vì dễ bị lạnh bụng, rối loạn tiêu hóa.
– Người bị cảm lạnh, tiêu chảy: Người bị cảm lạnh, sốt, đau dạ dày hoặc những người bị tiêu chảy không nên ăn cua vì cua có tính hàn lạnh dễ khiến bệnh nặng hơn.
– Người mắc bệnh tim mạch, người bị gout: vì gạch cua có chứa nhiều cholesterol, nhiều sodium và purines, nên người huyết áp cao, bệnh tim mạch, bệnh gút cần hạn chế ăn cua. Ăn nhiều cua đồng sẽ khiến cholesterol trong máu tăng cao. Dù không ảnh hưởng trực tiếp nhưng nếu quá trình tích tụ cholesterol lâu dài sẽ khiến bệnh chuyển biến nặng
– Người dị ứng với cua: Những người dị ứng với cua không nên ăn canh cua đồng do có thể bị sốc phản vệ phải nhập viện cấp cứu.
Lưu ý khi ăn cua
Cua đồng có nhiều canxi, rất giàu chất dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe nhưng nếu ăn không đúng cách sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Một số lưu ý khi ăn canh cua để không gây hại cho sức khỏe:
Không chế biến cua đã chết
Trong cua chết có chứa thành phần hóa học mang tên histidine, có thể gây độc khiến người ăn bị đau bụng, nôn mửa, thậm chí bị ngộ độc nghiêm trọng. Cua càng chết lâu lượng histidine càng nhiều, càng dễ ngộ độc hơn.
Không ăn cua chưa chín
Ở nhiều vùng quê, người dân có thói quen ăn gỏi cua sống. Điều này rất nguy hiểm vì trong thịt cua sống có chứa nang trùng hút máu phổi, nếu không qua khử trùng tiêu độc ở nhiệt độ cao mà ăn tái sống sẽ rất dễ mắc bệnh “trùng phổi”.
Nang trùng loại trùng hút máu ký sinh trong phổi, dẫn tới ho, khạc ra máu, mà còn có thể xâm nhập lên não, dẫn tới chứng co giật, thậm chí gây bại liệt. Nếu nó xâm nhập vào các khí quản như mắt, thận, gan, tim, tủy sống … còn dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng hơn. Do đó, một nguyên tắc cần tuyệt đối tuân thủ là phải nấu kỹ cua đồng trước khi ăn.
Hạn chế kết hợp cua với thực phẩm giàu vitamin C
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, cua đồng không nên ăn chung với các loại trái cây giàu vitamin C như lê, cam, hồng,… vì những loại quả này có chứa hàm lượng axít tannic nếu ăn chung với cua đồng sẽ dẫn đến kết tủa, gây nên tình trạng khó tiêu hóa, thậm chí là ngộ độc.
Cua đồng cũng được cho là đại kỵ khi nấu chung hoặc sử dụng cùng mật ong, hoặc thực phẩm có nấu cùng mật ong sẽ gây ra những tác dụng phụ không mong muốn.
Mẹo chọn cua đồng ngon:
Khi mua cua, cần chọn cua đồng còn sống và chọn những con cua cái vì cua cái chắc thịt hơn cua đực.
Không nên chọn con cua cái đang có cua con vì sẽ không có nhiều gạch. Không chọn cua quá non vì cua non khi nấu lên sẽ bị hoi, không ngon.
Khi sơ chế cua, phải bẻ hết bụng dưới của chúng đi và làm sạch bụi bẩn, đất cát bám ở càng cua. Chế biến cua cần nấu chín kỹ để đảm bảo an toàn.
Theo: 24h