Thực đơn ngày Tết: 4 món chân giò giòn ngon béo ngậy, khó chối từ

Chân giò chế biến theo 4 cách này ngon chuẩn vị, mềm béo hấp dẫn, “trôi cơm” vô cùng.

Chân giò hầm nấm

Nguyên liệu và sơ chế:
  • 800gr giò heo
  • 50gr nấm đông cô
  • 2 củ tỏi
  • 50gr hành khô
  • 1 quả dừa
  • Cùng các gia vị: Dầu hào, tiêu, ớt và mì chính

Thực đơn ngày Tết: 4 món chân giò giòn ngon béo ngậy, khó chối từ

Chân giò hầm nấm

Sơ chế các nguyên liệu:

Hành khô bóc vỏ, rửa sạch và thái nhỏ, sau đó dùng chày giã nát cho 1 bát con nước lọc vào đảo đều rồi vắt lấy nước.

Tỏi bóc vỏ và rửa sạch.

Dừa lấy nước.

Ớt rửa sạch và thái lát nhỏ

Nấm ngâm với nước trước trong khoảng 30 phút, rửa sạch rồi để ráo.

Móng giò khi mua bạn có thể nhờ người bán sơ chế và chặt hộ, chỉ cần rửa sạch lại và để ráo là được.

Để món chân giò hầm không quá ngán hay béo quá thì trước khi chế biến, nếu có điều kiện bạn nên thui chân giò trên ngọn lửa. Lửa sẽ làm miếng chân giò cháy xém cạnh, da bì sẽ săn vàng, và có thể làm sạch phần lông một cách dễ dàng.

Công thức nấu chân giò hầm nấm đông cô:

Để thịt chân giò ngấm vị và ngon hơn, bạn nên chuẩn bị trước nguyên liệu và ướp thịt ít nhất 20 phút. 

Lấy 1 nồi to đựng vừa lượng chân giò đã chuẩn bị ở trên. 

Cho 1 muỗng nước hành tím, 1 muỗng bột ngọt, và 1 muỗng muối vào chân giò rồi đảo đều cho ngấm gia vị. 

Lấy 1 chiếc bát để đựng nấm đông cô cho vào ướp, cho 1 muỗng nước hành tím, 1 muỗng hạt tiêu, và 1 muỗng dầu hào. (Ướp nấm đông cô để giảm độ nồng của nấm và món ăn sẽ ngon hơn.) 

Cả 2 nguyên liệu trên ướp trong thời gian khoảng 20 phút bạn nhé.

Cho dầu vào chảo, đợi khi dầu già thì cho chân giò vào chiên qua vàng và vớt ra để ráo. (Lưu ý: Nên chiên qua chân giò để cho chân giò được săn lại và giảm vị béo ngậy).

Dùng nồi áp suất để hầm chân giò cho nhanh chín và ngon, bạn cho 1 chút dầu vào nồi thả tỏi hành khô vào phi cho thơm( tỏi để cả củ bạn nhé, không cần thái ra đâu). 

Tiếp theo đổ chân giò vào xào sơ trong vòng 10 phút rồi đổ nước dừa vào đun. Cho thêm 1 muỗng canh hạt tiêu, 1 muỗng canh bột ngọt và 1 muỗng canh bột canh vào đảo đều rồi đun trong khoảng 20 phút là có thể thưởng thức món ăn.

Chân giò nấu đông

Nguyên liệu:
  • 500g thịt chân giò đã lóc xương
  • 200g bì lợn
  • 3 tai mộc nhĩ (30g)
  • 3 cái nấm hương rừng
  • 3 củ hành khô
  • Gia vị nước mắm, chút muối, tiêu

Thực đơn ngày Tết: 4 món chân giò giòn ngon béo ngậy, khó chối từ

Chân giò nấu đông

Cách làm thịt chân giò nấu đông:

1. Ngâm nước lạnh mộc nhĩ đến khi nở hết cỡ. Ngâm nấm hương nước thường chừng 10 phút. Sau đó thái sợi lớn vừa ăn. Hành khô bóc vỏ, thái lát nhỏ.

2. Cạo sạch bì lợn, rửa và luộc chín, thái miếng vuông nhỏ. Thịt chân giò thái miếng nhỏ vừa ăn.

3. Khử hành khô với chút mỡ hoặc dầu ăn cho thơm, cho thịt chân giò vào xào chín, nêm chút muối, mắm, 1 muỗng cà phê tiêu vừa ăn (có thể thêm bột nêm hoặc bột ngọt tùy chọn). Cho tiếp mộc nhĩ, nấm hương vào xào chung đến khi chín.

4. Cho chỗ bì đã thái vào thịt chân giò xào và đổ ngập nước sôi, nấu lửa vừa để hớt hết bọt, sau đó hạ lửa nhỏ, đậy nắp vung để thịt chín nhừ. Thời gian hầm thịt có thể từ 45 phút đến 1 tiếng.

5. Kiểm tra thịt đã đạt yêu cầu bằng cách dùng đũa chọc vào miếng thịt, nếu thấy thịt tơi dễ dàng là đạt. Lúc này vớt hết chỗ bì đã cho vào hầm chung và bỏ đi. Lượng bì cho thêm này giúp cho thịt đông có lớp gelatin hấp dẫn sau khi thịt nguội và đông lại, nếu để ăn sẽ dễ bị ngán và quá nhiều.

6. Múc thịt ra từng bát nhỏ hoặc khuôn tạo hình tùy thích, để nguội, bọc màng nilon và cho vào tủ lạnh, chừng hai tiếng sau là thịt đông lại, có thể mang ra ăn liền hoặc để khoảng hơn 1 tuần

Chân giò hầm măng

Nguyên liệu:
  • 1 khúc chân giò khoảng 700g (tùy thích có thể chọn những khoanh thịt chân giò nhỏ cho dễ ăn)
  • 300g măng tươi (chọn loại măng non khi nấu sẽ ngọt mềm)
  • Dầu ăn, giấm trắng, nước mắm, muối, hạt nêm, hạt tiêu, hành củ, vài cọng hành lá.

Thực đơn ngày Tết: 4 món chân giò giòn ngon béo ngậy, khó chối từ

Chân giò hầm măng

Cách làm chân giò hầm măng tươi:

– Bước 1: Bắc một nồi nước sôi nêm vào nồi khoảng một thìa nhỏ muối, một thìa xanh giấm trắng rồi cho chân giò vào chần sơ (khoảng vài phút từ khi nước sôi). Sau đó vớt chân giò ra rửa lại bằng nước lạnh cho thật sạch các bọt bẩn bám vào, để ráo nước.

– Bước 2: Cho chân giò vào tô ướp cùng với khoảng hơn một thìa canh nước mắm ngon, hạt tiêu trong khoảng 30 – 60 phút. Việc trụng chân giò bằng nước muối, giấm và ướp với nước mắm, hạt tiêu sẽ làm cho miếng thịt chân giò có phần da trắng và rất thơm ngon.

– Bước 3: Măng tươi tước sợi rồi luộc khoảng 10 phút để loại bỏ bớt chất độc, sau đó cho ra rổ xả lại nước lạnh cho sạch rồi vắt ráo.

– Bước 4: Hành củ thái mỏng.

– Bước 5: Bắc nồi lên bếp để lửa vừa, cho vào nồi chút dầu ăn để phi hành củ cho thơm, tiếp theo cho măng tươi vào xào, nêm vào măng ít muối cho đậm đà, xào măng vài phút cho thấm gia vị rồi cho chân giò cùng nước lã vào nồi, đun sôi, hớt bọt rồi vặn nhỏ lửa để hầm cho đến chân giò vừa chín mềm là được (khoảng 30 – 40 phút).

– Bước 6: Trong quá trình hầm nêm vào nồi chút muối, hạt nêm sao cho vừa ăn. Khi thịt chân giò chín thì tắt bếp, cho vào nồi ít cọng hành lá cho chín tái rồi múc ra tô, rắc ít hạt tiêu lên.

Chân giò kho tàu

Nguyên liệu:
  • 500 gram chân giò heo
  • 5 củ hành khô
  • 6 thìa canh nước cốt dừa
  • 1 củ gừng
  • 2 quả ớt tươi
  • Gia vị cần có: nước mắm, đường, bột canh, hạt tiêu đen.

Thực đơn ngày Tết: 4 món chân giò giòn ngon béo ngậy, khó chối từ

Chân giò kho tàu

Cách làm:

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu trước khi chế biến

Chân giò sau khi mua về, các bạn sử dụng lưỡi lam cạo sạch phần lông còn sót lại trên da. Sau đó các bạn rửa sạch với nước lạnh. Tiếp theo, bắc nồi lên bếp, cho nước ngập thịt chân giò và đun sôi. Khi nước sôi, bạn tắt bếp vớt chân giò ra, rửa lại với nước lạnh. Cách luộc qua này sẽ giúp loại bỏ những chất bẩn hay chất phụ gia trong thịt chân giò. Sau khi đã làm sạch chân giò, dùng dao chặt chân giò thành những miếng vừa ăn, chú ý dùng dao đã được mài sắc để chặt, nếu không đường chặt sẽ nham nhở, làm mất tính thẩm mĩ của món ăn.

Lấy 3 củ hành khô bóc vỏ, rửa sạch rồi thái thành từng khoanh tròn nhỏ. 2 củ hành khô còn lại bóc vỏ, rửa sạch rồi băm nhuyễn. Gừng cạo vỏ, rửa sạch, đập dập, băm nhuyễn và chia thành 2 phần. Ớt tươi rửa sạch, cắt khúc chia làm 2 phần

Bước 2: Ướp thịt chân giò cho ngấm gia vị.

Cho thịt chân giò vào một chiếc bát sạch. Trộn đều hành khô băm nhuyễn cùng 1 phần gừng và 1 phần ớt với 2 thìa canh nước mắm, cho thêm 1 thìa cà phê đường. Đổ hỗn hợp vừa pha chế vào bát thịt chân giò, cho thêm 1 thìa cà phê hạt tiêu xay. Dùng đũa trộn đều để đảm bảo mọi miếng thịt chân giò đều ngấm gia vị, nếu không thịt chân giò sẽ chỗ mặn chỗ nhạt, khiến món ăn bớt đi phần hấp dẫn. Ướp thịt chân giò trong vòng nửa tiếng đồng hồ để thịt chân giò hoàn toàn ngấm đều gia vị.

Bước 3: Đun nước màu

Bạn lấy một cái chảo sạch và khô bắc lên bếp, đun nóng chảo rồi cho 4 thìa canh đường vào chảo. Đảo đường đều tay cho đến khi đường keo lại  thì cho thêm 10-20ml nước, tiếp tục đảo đều tay cho đến khi đường có màu cánh gián đẹp mắt thì tắt bếp. Chỉ đơn giản như vậy chúng ta đã thu được nước màu hay còn gọi là nước hàng, dùng để kho thịt cá rất ngon.

Bước 4: Chế biến món chân giò kho tàu

Đặt nồi lên bếp, cho một lượng dầu ăn vừa phải vào nồi rồi cho phần hành đã thái khoanh cùng phần gừng còn lại vào phi thơm. Khi hành phi đã dậy mùi, cho thịt chân giò đã ướp vào nồi, dùng đũa đảo đều, khi thấy thịt chân giò đã chuyển màu thì cho nước cốt dừa vào ngập thịt, cho thêm ớt tươi vào nồi thịt. Đun cho tới khi nước cốt dừa sôi thì vặn nhỏ lửa, cho nước màu đã chế biến ở bước 3 vào để tạo màu đẹp mắt cho món chân giò kho tàu. Cho thêm nước mắm, gia giảm gia vị cho vừa ăn. Tiếp tục đun chân giò trong vòng 30 đến 40 phút, khi nước cốt dừa đã keo lại và chân giò có màu vàng nâu cánh gián, thịt chân giò mềm nhừ thì tắt bếp.

Cho thêm hạt tiêu vào nồi thịt chân giò. Nếu bạn nào thích, có thể cho thêm dừa tươi vào kho cùng, thịt chân giò kho dừa cũng rất ngon.

Chúc bạn thành công!

Gửi phản hồi