Trước Tết, rất nhiều gia đình tranh thủ làm sẵn thịt gà để trữ đông trong tủ đá vì không đi chợ mấy ngày nghỉ Tết cộng thêm tâm lý tránh ‘sát sinh’ đầu năm. Việc rã đông thịt gà không đúng cách có thể tiềm ẩn những nguy cơ ngộ độc nên cần thực hiện đúng cách.
Không ít người khi rã đông thịt gà thường lấy từ trong ngăn đông rồi để ở thực phẩm tự rã đông ở nhiệt độ phòng, có người lại ngâm nước nóng cho mau rã đông, có người lại ngâm gà vào nước lạnh…
Dưới đây là những cách rã đông thịt gà sai lầm khá phổ biến của nhiều người.
Rất nhiều người rã đông thịt gà sai cách làm mất chất dinh dưỡng và tăng nguy cơ gây độc tố.
1. Rã đông thịt gà ở nhiệt độ phòng
Sau khi lấy thịt gà ra từ tủ đông, nhiều gia đình có thói quen đặt thịt ở khu vực bồn rửa bát, tủ bếp, trong chậu… để thịt tự rã đông ở nhiệt độ phòng mà không biết thực phẩm khi tự rã đông ở nhiệt độ phòng rất dễ hỏng, kể cả ở thời tiết lạnh ở miền Bắc trong dịp Tết Nguyên đán.
Nguy hiểm hơn nếu rã đông ở nhiệt độ phòng trong nhiệt độ môi trường 32 độ C, chỉ cần quá một tiếng đồng hồ khi mà lớp băng của thịt tan dần vô hình trung cũng là lúc vi khuẩn nguy hiểm như tụ cầu khuẩn, Salmonella, E.coli và Campylobacter xâm nhập rất nhanh. Điều nguy hiểm là số vi khuẩn này sẽ sinh sôi với cấp số nhân, mặc dù được nấu chín vẫn có thể tồn tại độc tố.
2. Ngâm thịt vào nước nóng
Một số người chọn cách ngâm thịt vào nước nóng hoặc xả thẳng dưới vòi nước nóng vì cho rằng đây là cách rã đông nhanh và hiệu quả nhất. Đây là cách làm sai bởi nước nóng sẽ khiến thịt bị mềm nhão, mất chất dinh dưỡng.
3. Rã đông thịt sau đó lại cấp đông lại để sử dụng cho lần sau
Không ít người khi mang cả con gà ra để rã đông tự nhiên hoặc rã đông trong lò vi sóng rồi chặt đôi, sau đó cất phần còn lại vào tủ đông. Đây là cách rã đông sai lầm vì thực phẩm chỉ nên cấp đông một lần vì sau khi rã đông có nguy cơ nhiễm khuẩn rất lớn, nhất là khi rã đông sai cách. Nếu thịt gà được tiếp tục tái đông lạnh thì vi sinh vật có thể phát triển nhiều hơn gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng nguy cơ ngộ độc và làm mất dinh dưỡng trong thịt gà.
4. Rửa gà dưới vòi nước sau khi rã đông
Cơ quan Dịch vụ Sức khỏe Quốc gia Anh từng cảnh báo thịt gà sống có thể chứa vi khuẩn cực độc là Campylobacter. Nếu trong quá trình rửa gà mà để loại vi khuẩn này bám vào đồ ăn, vật dụng hay cơ thể người thì có thể có nguy cơ nhiễm bệnh do vi khuẩn này với các triệu chứng như sốt, nhức đầu, đau cơ, đau khớp, tiêu chảy và thậm chí tử vong.
Ngoài thói quen rửa gà dưới vòi nước, không ít người còn sử dụng nước ấm để chần sơ qua thịt gà, thói quen này không chỉ làm mất dinh dưỡng có trong thịt gà, khiến thịt gà co lại và khó có thể thải các chất độc có trong thịt ra ngoài nữa.
Vậy phương pháp rã đông nào là đúng cách và an toàn cho sức khỏe, bảo đảm thịt gà vẫn ngon mà không sinh độc tố?
Rã đông thịt gà không nên rã đông tự nhiên bằng nhiệt độ phòng.
5. Cách rã đông thịt gà an toàn hơn
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), bạn không bao giờ nên rã đông thịt ở nhiệt độ phòng hoặc trong nước nóng. Thịt sống để ngoài quá lâu có khả năng gây bệnh từ thực phẩm nếu không được nấu chín đúng cách (gia cầm cần có nhiệt độ nấu chín bên trong là khoảng 80 độ C) và cũng có khả năng lây nhiễm chéo với các loại thực phẩm khác mà bạn có thể tiếp xúc khu vực bếp của bạn.
Rã đông trong ngăn mát tủ lạnh
Bạn có thể lấy thịt ra khỏi ngăn đá từ ngày hôm trước, để lên ngăn mát đựng thịt để rã đông từ từ.
Ngâm trong nước lạnh
USDA hướng dẫn đặt gà đông lạnh vào túi nhựa chống rò rỉ, ngâm trong bát lớn chứa đầy nước lạnh. Gà phải luôn được đậy kín trước khi tiếp xúc với nước; không bao giờ để một bát thịt gà sống trong nước trong bồn rửa của bạn, vì điều này sẽ làm ô nhiễm toàn bộ khu vực và thịt sẽ hấp thụ một phần nước.
Rã đông trong lò vi sóng
Phương pháp này là cách nhanh nhất để rã đông gà. Tuy nhiên, cần lưu ý thực phẩm được hâm nóng trong lò vi sóng có xu hướng tạo ra các điểm nóng, vì vậy thịt gà sống có thể được làm nóng ở một số phần và vẫn đông lạnh ở những phần khác, khiến thịt rơi vào phạm vi nhiệt độ “vùng nguy hiểm”. Cần đảm bảo nấu ngay sau khi rã đông trong lò vi sóng và chỉ cấp đông lại khi đã nấu chín hoàn toàn và vệ sinh kỹ lò vi sóng sau khi rã đông thực phẩm để tránh lây nhiễm chéo.
Khi rã đông bằng lò vi sóng cần chế biến, nấu chín thịt gà ngay.
Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, thịt gà sống dễ bị nhiễm vi khuẩn Campylobacter và đôi khi có vi khuẩn Salmonella và Clostridium perfringens . Do đó, mọi người nên thực hiện các bước để ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm từ thịt gà sống.
– Cho thịt gà vào túi dùng một lần trước khi cho vào giỏ hàng hoặc tủ lạnh để giữ cho nước thịt sống không dính vào các thực phẩm khác.
– Rửa tay bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây trước và sau khi xử lý thịt gà.
Sau đó, ngay lập tức làm sạch bồn rửa và khu vực xung quanh bồn rửa bằng nước xà phòng nóng và vệ sinh kỹ lưỡng.
Theo: 24h