Thịt vịt làm được nhiều món ngon nhưng nếu sơ chế không kỹ rất dễ để lại mùi tanh, hôi, đây cũng là lý do nhiều người ngại ăn loại thịt này.
Trên mâm cỗ ngày Tết Đoan Ngọ (mùng 5/5 âm lịch) ngoài cơm rượu nếp, bánh tro thì thịt vịt là món không thể thiếu. Có rất nhiều cách lý giải về sự xuất hiện của thịt vịt trên mâm cỗ của ngày lễ này.
Theo quan niệm của người miền Trung, tháng 5 âm lịch là thời điểm thịt vịt ngon và béo nhất, nấu món gì cũng hợp. Không chỉ vậy, đây là lúc tiết trời oi, nóng bức mà thịt vịt có tính mát, ngọt do đó ăn loại thịt này sẽ giúp cân bằng nhiệt, bồi bổ sức khỏe.
Thịt vịt đem nấu được nhiều món ăn ngon như: Luộc, nướng, om sấu,… Nhưng dù chế biến theo cách nào thì người đầu bếp cũng phải nắm được các bí quyết quan trọng. Bởi nếu nấu sai cách vừa làm mất đi hương vị thơm ngon lại không khử hết được mùi hôi, tanh của loại thịt này. Bạn thường làm thế nào để khử hôi, tanh trên thịt vịt?
Phần đa các đầu bếp sẽ sơ chế thịt vịt bằng rượu nấu ăn. Ngoài ra, họ cũng áp dụng 2 mẹo nhỏ sau đây, dù đơn giản nhưng lại giúp thịt vịt thơm, mềm ngon và quan trọng nhất là khử hết mùi hôi.
Dùng nước cốt chanh
Chanh được xem là quả gia vị có tác dụng làm sạch và khử mùi cực kỳ hiệu quả. Trước tiên, bạn vắt lấy phần nước cốt chanh rồi rưới lên bề mặt của thịt vịt. Dùng tay chà xát liên tục lên bề mặt thịt để nước chanh ngấm vào. Ướp thịt chừng 20 phút là được.
Bạn cũng có thể ngâm thịt vịt trong nước giấm loãng khoảng 30 phút. Đây là cách để thịt vịt nhả hết mùi hôi, máu thừa. Phương pháp này được đánh giá là làm sạch tốt hơn cả việc chần thịt qua nước sôi.
“Chiên khô”
“Chiên khô” hay hiểu đơn giản là áp chảo. Đây là bước giúp khử mùi tanh và lấy đi lượng mỡ thừa trên thịt vịt cực kỳ hiệu quả.
Vịt sau khi ướp với nước cốt chanh bạn cho vào chảo hoặc nồi bật bếp đun mà không cho nước hoặc dầu. Sau 2 – 3 phút bạn chắt bỏ phần mỡ và nước do vịt tiết ra rồi mới chế biến các bước tiếp theo.
Một mẹo nhỏ nữa mà bạn có thể tham khảo là ướp thịt vịt cùng với gừng thái sợi, muối, rượu nấu ăn, mì chính trong khoảng 5 – 10 phút sau đó rửa sạch lại cùng nước ấm.
Bằng những cách trên thịt vịt sẽ thơm ngon và hết sạch mùi hôi, tanh, bạn có thể yên tâm chế biến thành các món ngon đãi gia đình.
Dưới đây là công thức món ngon từ thịt vịt cực kỳ đậm đà, hao cơm mà bạn có thể tham khảo cho mâm cỗ Tết Đoan Ngọ thêm phong phú.
Nguyên liệu
– Đùi vịt: 4 cái
– Rượu trắng
– Tương đậu: 10g
– Giấm trắng
– Muối
– Hành, gừng tươi
– Xì dầu
– Đường phèn
– Hạt tiêu
– Nước lọc
Cách làm đùi vịt kho
1. Đùi vịt mua về rửa thật sạch, ướp chung với nước cốt chanh khoảng 20 phút rồi dùng giấy thấm khô bề mặt thịt.
2. Đun nóng chảo sau đó cho đùi vịt vào chiên khô.
Sau khoảng 3 – 4 phút, đùi vịt sẽ tiết ra mỡ, lúc này bạn lật đều để phần da vịt được vàng giòn.
3. Khi thấy phần đùi vịt đã vàng đều các mặt bạn vớt ra đĩa rồi bỏ phần mỡ trong chảo đi. Lúc này, lần lượt cho hoa hồi, lá nguyệt quế vào phi thơm.
Tiếp đến, bạn bỏ hành lá, gừng tươi vào đảo thật đều tay.
Cuối cùng, cho đường phèn vào đun tới khi đường tan và chuyển màu cánh gián là được.
4. Lúc này, cho phần đùi vịt đã chiên trước đó vào. Lần lượt nêm các loại gia vị.
1 thìa rượu gạo để khử mùi tanh.
1 thìa xì dầu nhạt, ½ thìa hắc xì dầu cho đậm đà
Thêm ⅔ thìa giấm trắng, ½ thìa đường phèn tăng hương vị.
Cho nước sôi ngập bề mặt đùi vịt. Cân đối lượng nước vừa đủ, tránh cho quá ít sẽ nhanh cạn mà thịt chưa chín, quá nhiều sẽ khiến món ăn mất đi vị ngon.
5. Nồi đùi vịt sôi, bạn dùng thìa vớt bọt nổi trên bề mặt sau đó đậy vung đun nhỏ lửa trong khoảng 1 tiếng.
6. Sau 1 tiếng kho, bạn nêm 1 chút muối rồi đậy nắp và tiếp tục đun nhỏ lửa trong khoảng 40 phút.
7. Hết 40 phút, bạn nhớ dùng đũa gắp hết các loại gia vị ra ngoài, mở vung, vặn lửa vừa để có phần sốt sánh sệt, thơm ngon.
8. Đùi vịt chín mềm bạn gắp ra đĩa và thưởng thức. Món ăn này dù ăn nóng hay nguội đều rất ngon. Bạn có thể kho nhiều, để ngăn mát tủ lạnh và ăn dần.
Lưu ý, bước chiên khô đùi vịt rất quan trọng, nó vừa lấy đi bớt phần mỡ thừa trên da vịt, đồng thời loại bỏ mùi tanh giúp món ăn ngon hơn.
Theo: Eva