Nuốc gần giống con sứa nhưng lành tính, ít gây dị ứng, chấm cùng mắm ruốc, rau thơm, trái vả, đôi khi ăn cùng cả thịt luộc.
Món nuốc đang phủ sóng mạng xã hội thời gian gần đây.
Những ngày gần đây, nuốc trở thành món ăn hot rần rần trên mạng xã hội, được cộng đồng mê ẩm thực và các reviewer nhắc tới. Nuốc là một loài nhuyễn thể không chân, có nhiều vào mùa hè nơi vùng đầm phá nước lợ ở Huế. Đây là tên gọi theo phương ngữ về con nuốt. Chữ “t” người Huế thường đọc trại thành chữ “c”, vì vậy “nuốt” bị biến thành “nuốc”. Con nuốc rất dễ ăn, dễ nuốt nên có lẽ vì vậy, người Huế hay gọi vần là “nuốc tuốc luốc”, nghĩa là ăn món này vào thì “trôi tuồn tuột” khỏi cần nhai nhiều.
Con nuốc cùng họ với sứa nhưng nhỏ chỉ bằng khoảng nửa trái chanh, gồm hai phần được tách riêng để bán cho phù hợp nhu cầu và sở thích của từng người là nuốc tai và nuốc chân. Nuốc tai là phần thân trên, tròn xoe như chiếc mũ nấm xinh xinh, không màu, trong suốt như thạch. Nuốc chân là phần thân dưới, dài cỡ 2-3 cm với những cái chân răng cưa hơi giống xúc tu ở mực, có màu xanh ngọc.
Mỗi phần của nuốc đều có vị ngon riêng và giá thành khác nhau. Nuốc tai mềm, mọng nước và mát, giá dao động 30.000 – 50.000 đồng/kg. Nuốc chân giòn sần sật, vị thanh hơn và có giá cao gấp đôi nuốc tai tùy từng thời điểm. Về cơ bản, nuốc ăn khá giống sứa nhưng vì sống ở vùng nước lợ nên không bị mặn và mùi vị cũng thanh hơn. Nuốc là món ăn khá lành, không bị ngứa hay gây kích ứng với người nhạy cảm.
Con nuốc trong, hơi xanh, ăn giòn mát, sần sật.
Người Huế ăn nuốc thế nào?
Có nhiều món ăn chế biến với nuốc như gỏi trộn, bún giấm nuốc… nhưng cách đơn giản và phổ biến nhất là ăn sống chấm mắm ruốc. Nuốc mua về, sau khi rửa sạch thì ngâm trong nước lạnh cho săn và giòn hơn. Lúc gần ăn vớt nuốc ra khỏi nước, để ráo, không nên vớt ra sớm quá, nuốc sẽ bị teo và không giòn. Nếu ăn không hết, người ta vẫn ngâm nuốc trong nước và bảo quản trong tủ lạnh được 2-3 ngày.
Món ăn kèm có thể là các loại rau thơm, chuối chát, khế chua, xoài xanh xắt mỏng. Bạn có thể ăn kèm các món luộc như chân giò, lưỡi, tai, ba chỉ để món ăn thêm phong phú. Tuy nhiên, không thể thiếu hai nguyên liệu quan trọng là trái vả tươi cắt mỏng và rau húng lủi đặc trưng chỉ có ở Huế. Mắm ruốc pha cùng tỏi ớt giã nhỏ, thêm ít bột ngọt, đường, vắt thêm miếng chanh, khuấy đều cho hỗn hợp tan và sánh kẹo là đã hoàn thành món ăn.
Nuốc có vị ra sao?
Nuốc ăn kèm trái vả, rau húng, chuối xanh, thịt ba chỉ, lưỡi…
Lấy một miếng nuốc, kẹp cùng một lá húng lủi, một miếng vả, chấm vào bát mắm ruốc sánh kẹo, cho vào miệng thưởng thức. Đầu tiên là vị mát lạnh như thạch và mịn như nhung chạm vào đầu lưỡi, lan khắp khoang miệng. Tiếp đến là vị chát của trái vả giúp trung hòa món ăn, chấm phá thêm vị mặn mòi của ruốc Huế. Và cuối cùng, thổi bùng vị giác chính là lá húng lủi thơm cay the the, làm nổi bật vị của tất cả nguyên liệu trên, khiến chúng tròn trịa, rõ nét hơn.
Nhắm mắt lại và nhai chầm chậm, từ từ thưởng thức sự hòa quyện của nhiều hương vị khác nhau: ngọt, mát, chua, cay, thơm, bùi, bạn sẽ cảm nhận được sự dung dị của một món ăn mang hương đồng gió nội. Trong thời tiết oi ả ngày hè, món nuốc trong veo, long lanh như thạch anh hẳn khiến thực khách không thể kìm lòng. Món ăn thanh mát, kết hợp vị mặn mòi của mắm ruốc đặc trưng xứ Huế, chỉ nhắc tới cũng đủ ứa nước miếng. Nhiều người còn đặt tên món này là “sashimi xứ Huế” và có cách ăn gần giống món sứa đỏ Hà Nội.
Với sự hòa quyện của các thành phần tươi ngon và hương vị độc đáo, nuốc chấm ruốc Huế không chỉ là một món ăn mà còn là trải nghiệm ẩm thực đáng nhớ. Mùa nuốc đang tới, nếu có dịp đến vùng đất cố đô, bạn hãy thưởng thức thứ quà quê dân dã nhưng làm say đắm lòng người này.
Bài và ảnh: Lê Nguyên
Theo Ngôi sao