Nhẹ nhàng chấm cái khối thịt đỏ au, chắc lụi đó vô muối tiêu chanh và đưa lên miệng cắn phụp một miếng…Rồi chầm chậm nhai để cái chất ngọt trong miếng thịt tôm ngấm từ từ vào chân răng làm tứa nước bọt khiến mình phải cắn thêm miếng nữa, miếng nữa…
Tui không phải người sành ăn. Tui cũng không biết nấu ăn ngon. Nhưng cơ bản là tui biết con tôm tự nhiên ngoài sông nó ngon hơn con tôm nuôi trong ao đầm.
Có người sẽ hỏi làm sao biết con nào là con tôm sông, con nào là con tôm nuôi, tui ứ biết. Chỉ là cái chị bán tôm quen ở chợ Trà Ôn nói vậy thì tui tin vậy.
Lâu dần, khi ăn con tôm sông ở Trà Ôn với con tôm nuôi ở Sài Gòn, tui cũng có vài nhận xét và nhận ra sự khác biệt như vầy:
Đó là con tôm sông nó màu xanh đậm, mình mẩy và 2 cái càng của nó bám đầy rong rêu, đất cát; đôi chỗ có màu nâu nâu nhìn thấy… dơ dơ.
Con tôm sông khi nướng hoặc hấp nước dừa, hấp bia thì ngoài cái vỏ của nó đỏ tươi thì cục gạch trên đầu nó cũng đỏ như son và đông cứng ngắc, bỏ vô miệng nhai nó dai dai, dòn dòn, béo béo khó tả lắm.
Nếu mà làm món tôm kho tàu thì khi nặn cục gạch ra để đun nóng cho nó tan chảy thì cái màu của nó đỏ au chứ không vàng vàng nhợt nhạt như gạch tôm nuôi.
Đến cái thịt của con tôm sông, dù con nhỏ hay bự thì thịt nó cũng dai ngon, thơm ngọt vô cùng.
Khi ăn tôm, trước tiên mình ngắt cái đầu nó ra, húp miếng nước ngọt ngây còn đọng lại trong đó, rồi mình chép chép miệng, mắt lim dim để tận hưởng cái sự sung sướng của cái gọi là… nghệ thuật ẩm thực.
Sau đó mình để cái đầu qua một bên, chưa ăn vội mà lột phần mình con tôm, nhớ chừa cái chót đuôi lại để cầm cho dễ. Xong rồi mình nhẹ nhàng chấm cái khối thịt đỏ au, chắc lụi đó vô chút muối tiêu chanh và đưa lên miệng cắn phụp một miếng…
Sau đó mình chầm chậm nhai để cái chất ngọt trong miếng thịt tôm nó ngấm từ từ vào chân răng làm tứa nước bọt khiến mình phải tiếp tục cắn thêm miếng nữa, miếng nữa…
Ta nói nhiều khi tui có cảm giác cái ngon ngọt của con tôm sông chính là kết tinh của những con nước lớn ròng, của phù sa đỏ quạch tháng chín, của phiêu sinh vật, của rong rêu cùng bao nhiêu thứ khác trong dòng chảy của những con sông…
Điều này làm nên sự khác biệt với con tôm nuôi – là cái thứ ngay từ lúc lọt lòng đã bị giam cầm trong 4 bức tường lưới chật hẹp, tù túng giữa mấy mét vuông ao đầm rồi lớn lên bằng thức ăn công nghiệp cùng đủ thứ hóa chất, thuốc men tiêm chích từa lưa.
Và quan trọng hơn, những con tôm nuôi không bao giờ biết được ngoài kia là sông lớn rộng dài. Và những con tôm tự nhiên nếu may mắn thoát được lưỡi câu của đám trẻ Xóm Lưới thì câu chuyện về những cuộc rong chơi của chúng hẳn sẽ không kết thúc trên cái bếp than hồng nhà tui…
Chuyện con tôm càng tới đây là hết.
Bài- ảnh: Hồng Vân