Điểm danh các món ăn ngon được chị em yêu thích trong tuần qua nhé!
1. Mê bánh su kem thì không thể bỏ qua phiên bản su kem vỏ giòn hoàn hảo này – 1800 lượt yêu thích, 364 lượt chia sẻ
Facebook tác giả: Mắt Tròn Xoe
Group: Phố bánh & Dụng cụ làm bánh
Vẫn giữ được những gì tinh tế nhất của món bánh su truyền thống nhân kem trứng béo ngậy, nhưng với chút sáng tạo cùng lớp vỏ thơm giòn, nứt mặt sẽ càng làm món bánh này thêm bội phần hấp dẫn!
Công thức bánh su kem vỏ giòn như sau:
A. Phần vỏ giòn:
120g bơ nhạt (loại nào cũng được, mình sử dụng bơ Anchor) – để ở nhiệt độ phòng mềm nhưng không chảy 150g đường xay (nếu muốn vỏ màu nâu nâu thì dùng đường nâu) 150g bột mì số 11 (nếu muốn làm vỏ giòn vị socola hay matcha thì bớt 10g bột mì ra thay vào 10g cacao hoặc matcha)
Cho bơ mềm và đường vào máy đánh trứng đánh ở tốc độ nhẹ cho bơ và đường hòa quyện vào nhau. Sau đó cho bột mì vào vẫn trộn ở chế độ nhẹ cho bơ, đường, bột mì đồng nhất.
Tiếp theo, dùng tay nhồi hỗn hợp thành một khối dẻo mịn (nhồi vừa đủ, tránh nhồi quá lâu). Cán bột vừa trộn thành miếng mỏng khoảng 1mm. Các bạn đặt bột giữa hai tờ giấy nến rồi cán sẽ dễ hơn, sau đó cho bột vào tủ lạnh. Khi bột đã lạnh mình dùng nắp chai nhựa nhấn thành hình tròn.
Chuẩn bị một số miếng giấy nến nhỏ, đặt miếng bột hình tròn vừa nhấn lên một miếng giấy nến, rồi đặt một miếng giấy nến khác lên trên xen kẽ nhau, cứ làm vậy đến khi hết bột. Cất tất cả vào tủ lạnh cho cứng lại.
B. Phần vỏ bánh:
120g bơ nhạt
120 ml nước
120 ml sữa tươi không đường
10g đường
5g muối
130g bột mì
11 rây mịn
4 trứng gà loại lớn (60 – 65g 1 quả)
Cho bơ, nước, sữa tươi không đường, muối vào nồi chống dính, bắc lên bếp khuấy đều đến khi sôi thì tắt bếp. Cho bột mì vào hỗn hợp trên khuấy đều cho quyện lại rồi bắc nồi lên bếp khuấy tiếp đến khi bột không còn dính đáy nồi thì tắt bếp, để thật nguội.
Hỗn hợp đã nguội thì ta lấy máy đánh trứng cầm tay (máy để bàn cũng được) đánh ở tốc độ vừa và đập từng quả trứng vào đánh, khi trứng quyện hết vào hỗn hợp thì mới cho tiếp quả khác. Cứ làm như vậy đến khi hết trứng, thu được hỗn hợp đặc sệt.
Hoàn thành bánh và nướng:
Cho hỗn hợp trên vào túi bắt kem, cắt phần chóp đầu đi để miệng to to khoảng ngón áp út và bóp bột ra hình xoắn ốc (bóp bột kiểu này sẽ giúp bánh nở cao phồng đẹp hơn). Lấy phần bột hình tròn để tủ lạnh ban nãy ra để lên mặt bột vỏ su. Đem nướng bánh ở 200 độ C trong 10 phút đầu, 170 độ C ở 10 phút sau. Phần nướng này cũng tùy lò, nếu lấy ra bánh bị xẹp có thể cho bánh vào lò nướng thêm bánh vẫn nở. Mình thấy cứ để bánh vàng là chắc nhất, lấy ra không bao giờ bánh bị xẹp.
Phần kem:
– Phần A:
30g đường
20g bột bắp
1 bịch sữa tươi không đường
50g cream chesse
Nấu tất cả hỗn hợp trên thật mịn và sệt, nhớ khuấy đều trong khi nấu nếu không sẽ bị cháy đáy nồi.
Phần B:
300ml kem topping (mình dùng loại Value Pride có vị ngọt thanh sẵn). Bạn cũng có thể thay thế bằng whipping đánh với 1 ít đường. Đánh kem hơi bông cứng là được.
Trộn A vào B là được hỗn hợp kem chesse rất ngon nhé.
Cuối cùng bóp kem vào bánh là xong.
Cách bảo quản: Không nên bóp kem sẵn vào bánh, khi nào ăn thì mới bóp kem vào. Nếu ăn không hết thì bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh bánh sẽ luôn giòn nhé!
Ngắm những món ăn cực hấp dẫn của “soái ca vạn người mê” – 1300 lượt yêu thích
Facebook tác giả: BossMan Bui
Group: Hội nấu ăn vì đam mê
Nếu tham gia group Hội nấu ăn vì đam mê, hẳn bạn sẽ không còn xa lạ gì với những chia sẻ của tác giả BossMan Bui. Những bài đăng của anh luôn thu về hàng nghìn lượt yêu thích, phần vì món ăn quá hấp dẫn, phần vì anh chính là “soái ca” trong lòng các chị em vì quá đảm đang và giỏi nấu ăn.
Cùng tham khảo cách nấu một số món ăn cực hấp dẫn mà tác giả chia sẻ dưới đây nhé:
Mề gà xào gừng:
Luộc mề gà sôi khoảng 10 phút thì tắt bếp, đổ ra rửa sạch.
Cho mề gà vào tô, ướp mề gà với 3 muỗng canh dầu hào, 1 muỗng canh nước tương, 1 muỗng canh đường, 1 muỗng cà phê tiêu, sau đó trộn đều. Gừng gọt vỏ, thái lát mỏng.
Ớt chuông 3 màu, hành tây cắt nhỏ.
Bắc chảo lên bếp, cho 1 muỗng canh dầu điều vào chảo cho nóng, thêm 1 củ hành và 1 củ tỏi đã đập dập vào phi thơm. Đổ mề gà vào xào khoảng 5 phút. Cho ớt chuông, hành tây, gừng vào chảo đảo đều. Pha một muỗng cà phê bột năng với chút nước cho bột tan, đổ vào chảo mề gà xào thêm khoảng 2 phút, nêm nếm lại cho vừa khẩu vị rồi tắt bếp.
Sườn non xào chua ngọt:
Luộc sườn non với gừng 10 phút, sau đó rửa sạch. Hòa hỗn hợp bao gồm: 2 muỗng canh dầu điều, 1 củ tỏi băm nhỏ, 1 củ hành băm nhỏ, 3 muỗng canh dầu hào, 3 muỗng canh nước mắm, 2 muỗng canh đường, chút ít bột ngọt, nước cốt 2 quả chanh.
Đổ sườn và hỗn hợp sốt vào chảo rim ở lửa vừa trong khoảng 5 – 7 phút. Sau đó thêm ớt chuông và hành tây đã cắt nhỏ vào xào chung khoảng 1 phút. Hòa 1 muỗng cà phê bột năng với chút nước, đổ vào chảo sườn đẻo đều chừng 1 phút nữa là được.
Chim cút quay:
6 con chim cút 1 củ tỏi 4 củ hành tím
Gia vị: 1/2 muỗng cà phê hạt tiêu, 2 muỗng canh đường, 3 muỗng canh xì dầu, 3 muỗng canh dầu hào, 1 muỗng canh mật ong, 400 ml nước dừa tươi.
Ướp chim cút với các gia vị trên qua đêm cho ngấm. Nướng chim cút bằng lò nướng. Nếu không có lò nướng thì dùng chảo rim chim cút với nước ướp chim ở lửa nhỏ, rim cho đến khi nào nước sánh lại và hơi cạn thì tắt bếp.
3. Trứng cút luộc hô biến thành chùm nho, bạn có tin không? – 1200 lượt yêu thích
Facebook tác giả: Đỗ An Nhiên
Group: Chia sẻ nấu ăn và trồng rau
Cũng chỉ là trứng cút luộc thôi, nhưng chỉ cần thêm một bước đơn giản này, món trứng cút luộc của bạn sẽ được nâng tầm lên một đẳng cấp khác đấy.
Được biết cách để làm ra “chùm nho” này rất đơn giản. Bạn chỉ cần luộc trứng chín, bóc vỏ sau đó ngâm trong nước hoa đậu biếc đun sôi, để nguội khoảng 1 ngày là trứng sẽ có màu đẹp thế này. Bạn lưu ý khi ngâm trứng thì bảo quản trong tủ lạnh để khi ra được thành phẩm rồi thì mình vẫn có thể ăn được, tránh lãng phí nhé!
4. Xem vợ đảm chuẩn bị cơm trưa văn phòng cho chồng ngon đẹp ngất ngây – 845 lượt yêu thích
Facebook tác giả: Hoàng Thùy
Group: Chuyện của bếp
Những hộp cơm văn phòng ngon miệng, đủ chất là giải pháp mà nhiều chị em đang lựa chọn để bữa trưa của ông xã vừa ngon miệng, đủ chất lại an toàn.
Bạn có thể tham khảo thực đơn cơm trưa của tác giả Hoàng Thùy để chuẩn bị cho mình những bữa cơm trưa văn phòng thật ngon miệng nhé!
Thực đơn 1: Cơm, mực nhồi thịt chiên, canh tôm khô rong biển, su su cà rốt xào tỏi.
Thực đơn 2: Cơm, thịt kho trứng cút, canh mướp bò băm, cải thảo cà rốt xào tỏi.
Thực đơn 3: Cơm, canh củ từ hầm xương, cải ngồng xào bò, sườn rim mặn ngọt.
Thực đơn 4: Cơm, cánh gà chiên nước mắm, canh rau củ thịt băm.
Thực đơn 5: Cơm, canh rong biển tôm tươi, chả quấn sả chiên, cà tím xào tỏi.
Thực đơn 6: Cơm, chân giò kho sả ớt, canh củ từ hầm xương, cải ngọt xào bò.
Thực đơn 7: Cơm, canh bầu nấu tôm, cải bó xôi xào bò, sườn non xào chua ngọt.
Thực đơn 8: Cơm, canh chua cá lóc, cánh gà chiên nước mắm, rau xào bò.
Thực đơn 9: Cơm, canh bí đỏ thịt băm, thịt cuốn lá lốt, thịt rim mặn, rau xào tỏi.
5. Cách làm bánh mì hoa cúc Brioche ngon không cưỡng nổi – 738 lượt yêu thích, 102 lượt chia sẻ
Facebook tác giả: Anh Tran
Group: Món ngon nhà làm (Savoury Days Family)
Bánh mì hoa cúc làm theo công thức này đảm bảo mềm thơm, ngon không cưỡng nổi. Mặc dù cách làm có hơi phức tạp nhưng bạn sẽ thấy xứng đáng với thời gian và công sức bỏ ra. Vì bánh ra lò sẽ thơm lừng mùi bơ, ruột bánh mềm vàng tự nhiên, ngọt nhẹ. Chỉ cần nhìn “ngoại hình” và màu sắc thôi cũng đủ hấp dẫn rồi phải không?
Cách làm bánh mì hoa cúc Brioche được tác giả Anh Tran chia sẻ từ công thức của Savourydays như sau:
Nguyên liệu
A. Phần bánh
250gr (2 cup) bột bánh mì (bread flour)
30gr (2 tablespoon) đường (caster sugar)
5gr (1 teaspoon) muối
5gr (1.5 teaspoon) men instant
3 trứng gà (150gr – không tính vỏ)
125gr bơ nhạt (bơ động vật không muối) – để mềm ở nhiệt độ phòng
3ml (1/2 tsp) vani chiết xuất
3ml (1/2 tsp) tinh dầu hoa cam
1 quả trứng đánh tan để quét mặt bánh – có thể dùng nước thay thế
hạnh nhân lát
B. Glaze mật ong chanh
45gr (1/3 cup) đường bột (icing sugar)
10ml (2 tsp) mật ong
10ml (2 tsp) nước cốt chanh
Tóm tắt các bước làm bánh:
1. Cho vào âu trộn bột bánh mì, đường, muối và trộn đều. Tiếp theo cho men instant, trộn đều.
2. Tạo một lỗ trống ở giữa âu bột, đập trứng vào phần trống này. Cho thêm hương liệu tuỳ thích (vanilla, hương cam chanh…).
3. Nhồi bằng máy ở tốc độ thấp trong 3 – 4 phút tới khi các nguyên liệu hoà quyện thành một khối. Sau đó tăng tốc độ lên mức vừa và nhồi thêm 5 – 10 phút tuỳ vào tốc độ máy, tới khi bột mịn mượt và khá đàn hồi thì dừng lại.
Lưu ý: Khối bột cần đủ ẩm và mềm, dễ nhồi. Tuỳ vào loại bột mà độ hút nước sẽ khác nhau do vậy cần linh hoạt khi nhồi bột. Nếu bạn cảm thấy bột quá khô, cứng khó nhồi và khó mịn thì có thể đánh tan một quả trứng rồi cho vào âu khoảng 1 – 2 thìa cà phê một lần, tiếp tục nhồi ở tốc độ chậm. Khi thấy bột đã đủ mềm và mịn thì không cho thêm trứng nữa. Ngoài trứng, có thể dùng sữa.
4. Nếu có nhiệt kế thì đo nhiệt độ của khối bột. Nhiệt độ này không nên cao hơn 27 độ C do sẽ làm cho bơ chảy khi trộn bơ vào. Nếu bột nóng hơn 27 độ C thì đậy kín âu, để bột nghỉ ở nhiệt độ phòng cho bột mát hơn.
5. Cho bơ đã để mềm nhưng chưa chảy vào âu. Trộn ở tốc độ thấp để bơ hoà quyện vào bột. Khi bơ và bột đã hoà quyện rồi thì tăng lên tốc độ vừa, nhồi thêm 3 – 5 phút nữa tới khi bột chuyển mịn và bóng.
Lưu ý: Công thức này không yêu cầu nhồi bột quá kĩ. Lý do: Nếu nhồi bột kĩ, thớ bột dai thì khi tạo hình sẽ khó khăn hơn nhiều, và nhồi bột nhiều còn có thể làm bơ chảy, hoặc tệ hơn nữa là làm đứt gluten trong bột.
6. Bọc bột bằng giấy nến hoặc nilon bọc thực phẩm, để nghỉ ở nhiệt độ phòng (18 – 23 độ C) trong 20 – 30 phút (nếu nhiệt độ cao hơn mức này thì thời gian nghỉ ngắn lại, nếu nhiệt độ thấp hơn thì thời gian nghỉ nên dài hơn).
7. Cho bột vào tủ lạnh, ủ bột ở nhiệt độ 2 – 4 độ C trong 12 – 14 giờ. Sau lần ủ này, bột sẽ nở hơn một chút và khá cứng nhờ lượng bơ lớn trong bột cứng lại khi để lạnh.
8. Lấy bột ra ngoài, cân rồi chia thành 3 phần. Bọc kín rồi cho vào tủ lạnh để nghỉ thêm 20 phút nữa.
9. Lấy một phần bột ra ngoài và nhẹ nhàng lăn cho bột thành hình que dài khoảng 35 – 40 cm. Dùng bột khô để chống dính cho tay và mặt bàn nhưng không nên dùng quá nhiều vì sẽ làm cho bột trượt trên mặt bàn khi tạo hình. Ngoài ra, cố gắng tạo hình nhanh để tránh cho bơ bị chảy.
Nếu nhiệt độ phòng nóng hoặc tạo hình chậm, làm bơ chảy và dính vào tay thì bọc cả khối bột lại, cho vào tủ lạnh tới khi bơ đông lại mới tạo hình tiếp. Trong thời gian tạo hình 1 phần bột thì 2 phần còn lại nên để trong tủ lạnh.
10. Khi đã tạo hình xong cả 3 phần bột thì quay về phần đầu tiên, vê cho bột dài ra, khoảng 60 cm. Tạo hình hai lần giúp cho bột có thời gian nghỉ, gluten thư giãn, do vậy bột không co lại khi chúng ta tạo hình.
11. Tết bột thành bím rồi đặt bột lên khay nướng có lót giấy nướng bánh hoặc tấm nướng silicon. Dùng một chiếc hộp lớn để đậy bột (tránh cho bột không bị khô mặt). Ủ bột ở nhiệt độ 20 – 24 độ C tới khi bột nở gấp 2 lần (mất khoảng 2 – 3 giờ). Không ủ ở nhiệt độ cao hơn vì có thể làm bơ bị chảy.
12. Làm nóng lò ở nhiệt độ 170 độ C – hai lửa. Khi bột đã nở gấp đôi, đánh tan nhẹ 1 quả trứng rồi quét mặt bánh với trứng này. Rắc hạnh nhân lát lên mặt bột. Nướng bánh ở 170 độ C trong 20 phút rồi hạ xuống 160 độ, nướng thêm 10 – 15 phút tới khi mặt bánh chuyển vàng sậm và bếp nhà bạn chìm trong mùi bánh và bơ thơm phức.
Nếu mặt bánh vàng quá nhanh, có thể dùng 1 tờ giấy bạc để che mặt bánh, tránh cho mặt bánh bị cháy.
13. Khi bánh chín, lấy ra khỏi lò và để bánh nguội trên rack.
14. Trong khi đợi bánh nguội, chuẩn bị glaze mật ong chanh bằng cách trộn đều tất cả các nguyên liệu gồm đường, mật ong và chanh.
15. Khi bánh đã nguội hoàn toàn, dùng một chiếc thìa nhỏ để rắc phần glaze lên mặt bánh.
6. Món thạch rau câu bi hai màu đẹp lung linh khiến ai cũng yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên – 836 lượt yêu thích, 2 lượt chia sẻ
Facebook tác giả: Huỳnh Phương Trang
Group: Hội nấu ăn vì đam mê
Nào cùng vào bếp làm một mẻ thạch rau câu bi 2 màu đẹp mắt, thanh mát cho cả nhà thưởng thức nhé! Món thạch này chắc chắn sẽ được lòng tất cả mọi người từ người già tới trẻ con đấy!
Công thức làm món thạch này như sau:
A – Phần dừa
I. Nguyên liệu:
– Nước cốt dừa đậm đặc: 300gr
– Muối: 1gr
– 2 cành lá dứa rửa sạch xắt khúc
– 950gr nước rau câu ở phần D
II. Cách làm:
– Bước 1 (B1): Cho nước cốt dừa, lá dứa và muối vào nồi hấp 15 phút (thời gian tính từ lúc nước sôi).
– Bước 2 (B2): Lấy 950gr nước rau câu ở phần D ra một cái nồi nhỏ rồi đổ B1 vào, vừa đổ vừa khuấy một chiều cho hỗn hợp hòa quyện.
– Bước 3 (B3): Giữ B2 trên bếp ở mức lửa nhỏ nhất để B2 không bị đông cho đến khi trang trí vào khuôn.
B – Phần trà xanh
I. Nguyên liệu:
– Bột matcha: 10gr
– Sữa tươi không đường: 100gr
– Sữa đặc có đường: 40gr (muốn ngọt hơn thì 50gr)
– 950gr nước rau câu ở phần D
II. Cách làm:
– Bước 1 (B1): Rây bột matcha vào sữa tươi rồi quậy đến khi matcha tan hoàn toàn. Bắc lên bếp nấu ở lửa vừa đến khi hỗn hợp nóng già. Tiếp đến cho sữa đặc vào quậy đều đến khi hỗn hợp hòa quyện hoàn toàn. Tắt bếp để sang một bên.
LƯU Ý: Sữa phải đảm bảo ở nhiệt độ phòng lúc cho bột matcha vào để bột dễ hòa tan, sữa bị nóng hay lạnh cũng làm bột matcha bị lợn cợn, khó hòa tan.
– Bước 2 (B2): Lấy 950gr nước rau câu ở phần D ra một cái nồi nhỏ rồi đổ B1 vào, vừa đổ vừa khuấy cho hỗn hợp quyện đều.
– Bước 3 (B3): Giữ B2 trên bếp ở mức lửa nhỏ nhất để B2 không bị đông cho đến khi trang trí vào khuôn.
C – Phần cà phê
I. Nguyên liệu:
– Nước cà phê đậm đặc: 50gr
– Đường: tùy khẩu vị, pha cà phê xong thì nêm đường vào đến khi thấy nước cà phê ngọt như ý. Mình làm thì chỉ thêm 10gr.
– 950gr nước rau câu ở phần D
II. Cách làm:
– Bước 1 (B1): Lấy 950gr nước rau câu ở phần D ra một cái nồi nhỏ rồi đổ nước cà phê đã thêm đường vào quậy đều để hỗn hợp hòa quyện hoàn toàn.
– Bước 2 (B2): Giữ B1 trên bếp ở mức lửa nhỏ nhất để B1 không bị đông cho đến khi trang trí vào khuôn.
D – Phần rau câu: Phần này sẽ làm sau cùng, khi đã chuẩn bị xong A, B, C. Lý do là nước rau câu phải luôn được giữ nóng nên nếu nấu ngay từ đầu rồi mới chuẩn bị những phần còn lại thì việc nấu lâu này sẽ làm cho nước rau câu bay hơi rất nhiều, không đủ để pha vào các hương liệu khác.
I. Nguyên liệu:
– 25gr agar: Ngâm với 2,5 lít nước lọc trong 2 tiếng để rau câu thành phẩm không chảy nước. Đây là rau câu giòn nên phải dùng agar chứ không thay thế bất kỳ loại nào khác.
– 350gr đường kính: Nếu thích ngọt hơn thì tăng khoảng 15gr – 20gr đường, ở đây chúng ta làm cho các bé ăn nên cần sử dụng lượng đường thật vừa phải.
II. Cách làm:
– Bước 1 (B1): Cho nước agar vào nồi nấu lửa lớn nhất đến khi nước agar sôi và phần agar tan hoàn toàn, quan sát thấy nước trong là đạt. Kiểm tra agar đã tan hết chưa bằng cách dùng muỗng múc 1 muỗng nước agar lên, rồi đổ ngược trở lại nồi, quan sát trên bề mặt muỗng thấy không còn hạt lấm tấm li ti nữa nghĩa là agar đã tan hết, ngược lại vẫn còn hạt thì agar chưa tan, tiếp tục nấu. Cuối cùng cho đường vô khuấy đến khi đường tan hết là xong.
– Bước 2 (B2): Chia nước rau câu thành 3 phần bằng nhau rồi thêm vào phần A, B, C như hướng dẫn ở mỗi phần.
E – Trang trí:
– Đổ lần lượt từng lớp rau câu cà phê, trà xanh và dừa vào khuôn theo ý thích. Thứ tự các lớp tùy ý thích mỗi người. Nếu muốn các lớp đều nhau thì sử dụng cùng 1 kích cỡ muỗng và đổ lượng tương đương nhau.
– Bạn nào muốn làm khuôn bi tròn 2 màu như của mình thì ra tiệm bán đồ Nhật mua khuôn làm đá bi về đổ. Khuôn này có 2 phần như hình mẫu, chúng ta sẽ đổ trước 1 lớp (cà phê, dừa hay trà xanh tùy thích) lên một nửa khuôn không có lỗ trước, nếu thấy hạt bong bóng li ti xuất hiện trên lớp rau thì nhanh chóng lấy muỗng vớt ra để thành phẩm không bị rỗ. Đợi lớp rau câu này khô mặt lại thì lập tức đổ lớp tiếp theo lên. Ở bước này, chúng ta tiếp tục đổ lớp rau câu thứ 2 lên nửa khuôn đầu tiên (đã có lớp rau câu đầu tiên) cho đến khi mực nước rau câu lên đến nửa thành khuôn. Sau đó nhẹ nhàng ráp nửa khuôn còn lại vô rồi dùng một vật nặng nào đó như chén hoặc ly đặt lên khuôn để cố định khuôn lại, tạo hình tròn đều cho rau câu. Để yên tầm nửa tiếng rồi cho khuôn vào tủ lạnh ít nhất 2 giờ đồng hồ rồi mới được lấy rau câu ra khỏi khuôn. Mục đích của việc này giữ lạnh này là để đảm bảo rau câu đông tốt để lúc lấy viên rau câu ra ko bị sứt mẻ.
LƯU Ý: Khi đổ lớp rau câu đầu tiên, chúng ta quan sát thấy lớp này vừa se mặt thì lập tức đổ lớp tiếp theo lên, nhớ là phải đổ thật nhẹ nhàng, tránh để lớp rau câu đông quá lâu rồi mới đổ tiếp, làm vậy bánh rau câu của chúng ta sẽ bị tách rời từng lớp khi ăn.
Theo: Afamily.vn