Cá là thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe con người. Vì thế, nhiều người có thói quen thích ăn tất cả các bộ phận của cá mà không hề biết rằng, ở cá cũng có những bộ phận tuyệt đối không được ăn.
Những bộ phận này thường chứa nhiều vi khuẩn, hoặc bị nhiễm độc kim loại nặng bởi môi trường, nguồn nước. Lâu dần, những bộ phận này tích tụ nhiều chất độc hại, nếu ăn thường xuyên sẽ gây hại sức khỏe.
Dù thích ăn cá, nhưng ít ai biết rằng, lòng cá có những bộ phận chứa các chất dinh dưỡng cực tốt cho sức khỏe, đồng thời cũng có một số bộ phận gây ngộ độc, thậm chí ăn vào có thể gây tử vong.
Theo PGS- TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa HN), việc người ta cảnh báo không nên ăn ruột cá là hoàn toàn chính xác”.
Ruột cá là bộ phận bẩn nhất, bởi cá sống dưới nước rất dễ bị nhiễm các loại độc tố khác nhau, nhiễm những loại vi sinh vật sống dưới nước.
Đặc biệt, cá là loài ăn rất nhiều tạp chất, những thức ăn này sẽ đi qua miệng và nằm lại trong ruột cá. Ngoài ra, ruột cá rất có khả năng nhiễm ký sinh trùng, trứng sán, trứng giun và giun xoắn.
Tuy nhiên, ruột cá khá ngon ngon vì béo, ngậy. Bạn vẫn có thể chọn những loại ruột cá ăn được như cá trắm, basa và chế biến cẩn thận. Trước khi nấu, nên rửa thật sạch bằng muối, đặc biệt phải nấu thận chín, tránh nguy cơ mắc các bệnh về đường ruột.
Nguyễn Duy Thịnh cho hay, con người không nên ăn mật động vật nói chung và cá nói riêng. Bởi mật cá cực kỳ độc, điển hình như mật cá trắm vô cùng độc. Có những người nuốt mật cá có thể tử vong ngay.
Mật cá, là nơi cung cấp các men, enzim, đồng thời cũng chứa rất nhiều độc tố. Khi ăn mật cá con người có thể bị trúng độc, sốc nhiễm khuẩn, chảy máu cấp, thậm chí tử vong. Do đó không được ăn mật cá hoặc đem ngâm rượu uống.
Theo thạc sĩ Bùi Tấn (Viện khoa học Địa chất & Khoáng sản – Bộ Tài nguyên Môi trường), những chất độc hại trong đất, nước có ảnh hướng rất lớn tới môi trường sống của các loài cá. Do vậy, cá dễ dàng nhiễm bệnh và gây hại tới sức khỏe của con người.
Thạc sĩ Tấn cho biết: “Các chất độc hại, đặc biệt là kim loại nặng có nhiều trong thận, sau đó đến gan, mang, cơ của cá. Khi nhiễm bệnh thì các bộ phận không nên ăn”.
Th.s Tấn giải thích, khi chế biến, mọi người có thể bỏ gan, lòng, mang nhưng vẫn phải ăn cơ cá. Đặc biệt, thận cá chứa nhiều chất độc nhưng ít ai biết và cắt bỏ.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khẳng định thêm, bằng mắt thường không thể nhận biết được cá có bị nhiễm độc hay không, chỉ làm các xét nghiệm phân tích mới có thể biết cá bị nhiễm độc kim loại nặng ở mức độ nào.
Do đó, khi chọn cá về chế biến, trước tiên, chị em cần phải lựa chọn cá thật tươi. Vì cá tươi (loại mới đánh bắt và bảo quản đạt tiêu chuẩn) nếu bị nhiễm độc sẽ có nồng độ phân bố các kim loại nặng trong cơ thể cố định ở một số bộ phận nhất định như đã nói ở trên…
… là thận, gan, mang, cơ của cá. Mà những bộ phận này người dùng có thể hoàn toàn chủ động loại bỏ được trong quá trình chế biến.
Trong khi đó, loại cá đã được bảo quản quá lâu hoặc bảo quản không đúng cách mà bị nhiễm độc thì nồng độ kim loại nặng sẽ nằm hoàn toàn trong thân cá. Do đó, không nên mua loại cá đã được bảo quản lâu này.
Còn bằng mắt thường có thể biết được cá tươi hay bị ướp chất bảo quản hay không.
– Mang cá: Khi làm cá, máu tươi đọng lại trong mang thì chứng tỏ cá tươi. Còn, không có máu đỏ, nhìn cá tươi thì cá đã được ướp hàn the.
– Thịt cá nhẽo, dễ tróc vẩy: Cá ướp hàn the, ure nhìn rất tươi nhưng khi ấn tay vào thân cá thì thịt cá rất mềm, mình cá lõm xuống và ngửi có mùi lạ. Đặc biệt, cá dễ dàng bị tróc vẩy, thịt nhẽo,…
– Xuất hiện bọt đen khi nấu cá: Cá tươi, khi nấu xương có màu trắng. Nhưng, cá ướp hàn the khi nấu nổi bọt đen và xương cá có màu đen.
Khi ăn phải cá nhiễm kim loại nặng hoặc có chất bảo quản sẽ ảnh hưởng lớn tới sức khỏe. “Các độc chất của cá sẽ đi vào theo hệ tiêu hóa rồi sinh bệnh. Hoặc, chưa sinh bệnh thì có thể tích tụ trong cơ thể gây rối loạn trao đổi chất, thậm chí di duyền cho đời sau”.
Theo Eva