Trà sen xổi

Đây là loại trà được ướp trong bông sen bách diệp Tây Hồ, loại sen trăm cánh, khi nở tròn đầy với các lớp cánh có màu hồng nhạt, hương thơm thanh tao.

Trà sen xổi có vị và hương riêng, khác với trà sen ướp gạo sấy khô. Gần đây loại trà này đã trở thành thức uống yêu thích của người Hà Nội.

Nguyên liệu

– Sen bách diệp Tây Hồ

– Trà Thái Nguyên loại ngon.

– Lá sen bánh tẻ, to vừa, phơi qua nắng cho héo nhẹ

– Lạt buộc ngâm nước cho mềm

– Túi nilon và máy ép chân không

– Âu đựng trà bằng sứ, thìa gỗ để lấy trà vào sen

– Xô, lọ, bình đổ nước

Trà sen xổi

Ướp trà

Cho trà ra bát sứ hoặc cho ra rá có lót lá sen.

Lấy bông sen khẽ gỡ cho cánh sen hé ra nhìn thấy gương sen. Dùng thìa gỗ múc 15-20 gr trà (tùy theo sở thích uống trà đậm nhạt của mỗi người và tùy độ to, nhỏ của bông sen) nhẹ nhàng cho vào tận cùng của bông sen. Cho trà vào bông sen xong, vuốt nhẹ để xếp lại cánh hoa giống như hình dáng ban đầu.

Trà sen xổi

Lá sen cắt làm tư gói trọn bông hoa cho kín, dùng lạt buộc lại. Nên buộc chặt vừa tay để tránh rách lá. Gói sen cũng không nên gói quá chặt, chỉ vừa đủ ôm bông hoa và giữ kín để đủ chỗ cho sen “thở”.

Bông sen sau khi cho trà vào bọc kín đem cắm vào bình/xô nước trong vòng 18 đến 24 giờ cho sen có thời gian “thở” – ủ hết hương vào trà.

Trà sen xổi

Sau 18 – 24 giờ cắt bông sen rồi cho vào túi nilon hút chân không và cấp đông luôn. Trà sen xổi để ngăn đá ít nhất 7 ngày mới dùng được. Lưu ý, phải tránh nhiễm mùi thực phẩm trong tủ lạnh khiến trà mất vị.

Bảo quản ngăn đá liên tục, trà sen dùng từ năm nay sang năm sau vẫn giữ nguyên vị. Giao thừa và Mùng một Tết pha bông trà sen, nhâm nhi chén trà thơm nức như thấy như cả hương vị đất trời thu lại.

Cách pha

Lấy bông trà sen trong ngăn đá tủ lạnh rã đông tự nhiên 30 phút, nếu không có nhiều thời gian thì bóc túi nilon cho bông trà vào lò vi sóng, chọn chế độ rã đông 40 giây.

Trà sen xổi

Đun sôi nước rồi để nguội một chút chừng 90-95 độ mới pha.

Tráng ấm chén bằng nước sôi.

Bỏ lá, tách cánh hoa sen, dùng thìa gỗ hoặc rửa tay, lau tay thật khô nhẹ nhàng lấy phần trà cho vào ấm. Một búp trà sen pha được một ấm trà bốn/năm người uống. Nếu ít người uống, cho nửa bông, phần còn lại gói kín trong túi nilon cho vào ngăn đông để lúc khác uống.

Những cánh sen bóc ra thả vào thuyền trà (một bát to), cho nước sôi vào thuyền trà.

Đánh thức trà: Rót nước vào ngập phần trà. Rót thành dòng to để các cánh trà trong ấm được đảo đều, khi gần đến miệng ấm rót nhẹ hơn rồi lắc nhẹ ấm để chừng 10 giây và rót nước ra chén tống rồi chuyền sang các chén quân ngay. Nước đầu tiên này vàng nhạt, thoang thoảng hương sen tươi.

Rót nước sôi tiếp vào ấm và đặt ấm vào thuyền trà. Ấm trà được giữ nóng. Ủ trà chừng 40 giây rót trà xoay vòng các chén rồi thưởng thức.

Trà sen xổi

Những tuần trà sau có thể kéo dài thêm so với lần hai từ ba đến năm giây. Lưu ý: Khi nào uống mới chế nước thêm. Một ấm trà sen to (từ 15 – 20 gr trà) có thể pha tới năm đến sáu nước mà trà vẫn đậm.

Nước thứ ba của ấm trà, bỏ thêm gạo sen cũng như các tua rua màu vàng có trong búp sen vào ấm. Cái này tùy vào gu của mỗi người.

Nước thứ tư: Xé nhỏ đài sen cho vào ấm rồi chế nước sôi uống thêm lần nữa.
Bốn tuần trà cho cảm nhận khác nhau rất thú vị. Với cách pha như thế, người thưởng trà đã tận hưởng trọn vẹn một bông trà ướp sen tươi theo cách ướp xổi. Món đồ uống thanh nhã này không dành cho những người bận bịu, vội vàng.

Chú ý:

Căn cứ tỉ lệ ướp từ 15 – 20gr cho một bông sen mà người làm tính toán lượng hoa, trà và các nguyên liệu khác cho phù hợp với một lần ướp.

Từ xưa người Hà Nội chỉ dùng sen Tây Hồ – Quảng Bá để ướp trà. Sen phải hái sáng sớm ngày nắng to, chọn búp lớn, cánh mới hé nở (gọi là hé miệng sáo) để hương đậm, cánh hoa còn nguyên vẹn. Những ngày đêm trước mưa to không hái sen làm trà vì sen nhạt hương, ủ trà không thơm.

Trà sen không chế nước sôi hãm cả phút mới uống, vì ủ lâu như thế trà thường vàng đậm và vị trà sen bị nồng, không thấy mùi thơm tinh tế của sen.

Trà sen cũng không tráng trà, gọi theo dân dã là làm lông trà, vì làm thế nhạt mùi sen. Tuy nhiên, nếu trà không có xuất xứ rõ ràng vẫn nên làm lông trà cho an toàn.

Vĩnh Quyên

Theo  VnExpress

Gửi phản hồi