Tiệm cafe ‘mang Paris về Sài Gòn’

Quán cafe trong con hẻm quận 1 hòa trộn phong cách Đông Dương và đặc trưng các tiệm cafe đường phố Paris, tạo không gian để thư giãn và làm việc.

Tiệm cafe 'mang Paris về Sài Gòn'

Tiệm cafe nằm trong con hẻm lớn trên đường Trần Hưng Đạo, gây ấn tượng từ phút đầu tiên bởi sắc xanh cây lá phủ ngập trước cửa.

Từ ‘La Rotonde’ trong tên quán là một từ tiếng Pháp, có nghĩa là bùng binh. Tên gọi này trùng với một quán cafe tuổi đời 110 năm ở Paris. Nhưng theo lý giải của anh Tomi Trương, chủ quán, tên tiệm được anh lấy cảm hứng từ quán cafe nằm trên đại lộ Catinat (nay là đường Đồng Khởi, TP HCM) vào những năm 1900.

Tiệm cafe 'mang Paris về Sài Gòn'

Tiệm cafe này từng quen thuộc với thực khách và du khách ở TP HCM trong thời gian 2013-2016, trên mặt đường Hàm Nghi. Sau 8 năm dừng hoạt động, quán trở lại từ giữa tháng 3 năm nay ở địa chỉ mới.

Yêu thích Sài Gòn thời Đông Dương thuộc Pháp, anh Tomi chọn chất liệu văn hóa và kiến trúc giai đoạn này làm cảm hứng để lên concept cho tiệm.

Tiệm cafe 'mang Paris về Sài Gòn'

Địa điểm của quán vốn là một nhà kho bỏ không đã lâu, trong tòa nhà được xây dựng từ năm 1959. Nền móng có từ thời Đông Dương và trần cao 4,8m – đặc trưng của kiến trúc đương thời – đáp ứng mong mỏi của chủ quán. Tiệm được thi công nhanh gọn trong một tháng đầu năm nay.

Tiệm cafe 'mang Paris về Sài Gòn'

Không gian 126 m2 có ba mảng tường lớn được đục khoét dang dở với ngụ ý sáng tạo riêng. Anh Tomi cho hay mình là người yêu thiên nhiên, thích tự do, không thích cảm giác gò bó, đóng khung. Với anh, những mảng tường này cho mọi người nhìn được cái đẹp của sự tàn phai và khiếm khuyết.

Tiệm cafe 'mang Paris về Sài Gòn'

Thay vì rập khuôn kiến trúc Đông Dương hay không gian tiệm cafe đương đại ở Pháp, La Rotonde Saigon mang tinh thần Pháp vào không gian trẻ trung và hợp gu số đông thực khách Việt.

Anh Tomi Trương chỉ ra: ‘Cửa sổ kính cao với phần khung làm từ sắt thép là một đặc trưng của các tiệm cafe ở Paris. Vì Pháp có khí hậu ôn đới, người ta thích vừa uống cafe vừa thưởng nắng, nhiều người chuộng ngồi ngoài trời, trước cửa quán. Những điều này đều có ở quán của tôi’.

Trong khi đó, hoài niệm Đông Dương được khơi gợi qua những bức tranh in khổ lớn, các bài viết, cuốn sách về Sài Gòn đầu thế kỷ 20 được treo nhiều góc trong quán.

Tiệm cafe 'mang Paris về Sài Gòn'

View dàn hoa giấy cho bông tím rộ nhìn từ dãy bàn sát cửa sổ của quán cafe.

Tiệm cafe 'mang Paris về Sài Gòn'

Mỗi góc trong quán sử dụng một kiểu bàn ghế, tạo ra nhiều lựa chọn cho thực khách. Bàn sát cửa sổ đón nhiều ánh sáng là chốn lý tưởng của những người thích đọc sách hoặc thưởng nắng. Bàn đá dài phù hợp các cuộc họp mặt, làm việc của nhóm đông người.

Tiệm cafe 'mang Paris về Sài Gòn'

Bàn vuông nhỏ, cao và kê sát tường thích hợp các cuộc đối thoại hai người. Xuất thân là dân kiến trúc và làm công việc thiết kế nội thất, anh Tomi chú trọng khai thác không gian trong quán. Anh cho biết dù quán bày khá nhiều bàn, giữa các bàn giữ một khoảng cách nhất định để mỗi khách hàng có được không gian riêng tư, không bị làm phiền bởi bàn kế bên.

Từ mong muốn có nơi chốn làm việc cá nhân cũng như hội ngộ bạn bè, anh sáng tạo nên quán cafe để mang đến không gian mang màu nắng mai, vừa vặn cho các thị dân thư giãn, làm việc.

Tiệm cafe 'mang Paris về Sài Gòn'

Góc bàn đặc biệt nhất của quán nép vào góc tối, chỉ có một đèn bàn và một dây đèn nhỏ, dành cho những người thích một mình một cõi.

Tiệm cafe 'mang Paris về Sài Gòn'

Anh Tomi đặt làm những chiếc ghế theo mẫu thịnh hành của Pháp với chất liệu mây tre đan, phủ màu châu Âu cổ điển. Ngoài ra, quán còn sử dụng kiểu ghết chân chữ X đặc trưng ở các quán cafe bên Paris.

Tiệm cafe 'mang Paris về Sài Gòn'

Khắp các góc quán phủ kín sắc xanh của cây dương xỉ, cây đuôi phụng, hoa lan…, với mong muốn tạo không gian thư thái, gần gũi thiên nhiên và ‘tạm trốn’ đô thị ồn ào, khói bụi.

Âm nhạc trong quán được bật âm lượng vừa đủ, với hai dòng nhạc: nhạc điện tử thường dùng cho các show thời trang và nhạc Jazz. Anh Tomi cho rằng kiểu nhạc này tạo cảm hứng làm việc hoặc thư giãn cho thực khách, không làm mọi người bị phân tán bởi ca từ.

Tiệm cafe 'mang Paris về Sài Gòn'

Khắp quán đặt nhiều sách về văn hóa Sài Gòn xưa. Những bức ảnh treo dọc tường được trích từ cuốn ‘La Cochinchine’ (sách xuất bản hơn 100 năm trước, mô tả lịch sử, kinh tế, văn hóa và du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long đầu thế kỷ 20).

Tiệm cafe 'mang Paris về Sài Gòn'

Cầu kỳ trong kiến trúc và bài trí nhưng tiệm cafe hướng đến sự tối giản trong thực đơn. Quán hiện phục vụ chủ yếu trà, cafe và nước ép theo phong cách cơ bản nhất. Các món đồ uống đậm vị trà hoặc cafe, hạn chế thêm nguyên liệu ngoài như kem whipping, sữa…

Với trà, anh Tomi Trương tự hào tìm được loại trà lài thơm từ Phú Yên để làm nước cốt trà. Ba món trà của quán được đặt những cái tên gắn liền đời sống Sài Gòn, gồm Áo Dài, Sài Gòn Nhộn Nhịp và Ba Son.

Tiệm cafe 'mang Paris về Sài Gòn'

Với cafe, anh ưu tiên các món cơ bản như espresso, americano, latte… Điều này chịu ảnh hưởng từ thói quen uống cafe đơn giản của người Paris.

Bài – ảnh: Phong Kiều

Theo  Ngôi sao

Gửi phản hồi