Củ này có ngoại hình giống khoai lang, nhưng hương vị thì khác xa.
Củ sâm đất (tên gọi khác là khoai sâm) đã trở thành một loại thực phẩm quen thuộc trong bữa ăn của người Việt Nam nhờ vào giá cả hợp lý và nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Có hình dáng bên ngoài giống hệt khoai lang, củ sâm đất khi được cắt ra sẽ lộ ra phần thịt màu vàng nhạt, kèm theo mùi thơm nhẹ đặc trưng mà người ta thường so sánh với nhân sâm. Dù không quá đắt đỏ như nhân sâm thực thụ, củ sâm đất vẫn mang đến cho người sử dụng nhiều giá trị dinh dưỡng và sức khỏe.
Loại củ này đã được khoa học chứng minh là có tác dụng hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu hiệu quả. Với lượng chất xơ dồi dào, củ sâm đất còn có lợi cho hệ tiêu hóa, giúp kích thích nhu động ruột và ngăn ngừa tình trạng táo bón. Chất xơ cũng làm tăng cảm giác no sau ăn, hỗ trợ đáng kể trong việc kiểm soát và giảm cân. Bên cạnh đó, củ sâm đất còn giàu chất chống oxy hóa, có khả năng bảo vệ niêm mạc dạ dày và giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch.
Ngoài ra, vitamin C và các chất chống oxy hóa có trong củ sâm đất còn đóng vai trò như những “vệ sĩ” cho làn da, giúp chống lão hóa và giữ cho làn da luôn tươi trẻ, mịn màng. Điều này làm cho củ sâm đất không chỉ là thực phẩm bồi bổ sức khỏe mà còn là nguyên liệu làm đẹp tự nhiên được nhiều người ưa chuộng.
Tại Lào Cai và một số tỉnh khác ở Việt Nam, củ sâm đất được trồng rộng rãi, thời gian thu hoạch chính là tháng 9 – 10 hàng năm. Nếu đã ăn sống nhiều, bạn có thể tham khảo một số công thức sau để đổi món.
Gà xào sâm đất
Nguyên liệu: thịt gà, sâm đất, dưa chuột, cà rốt, tỏi, gia vị cơ bản.
1. Sâm đất tươi gọt bỏ vỏ, cắt thành khối vuông rồi ngâm ngay vào nước để tránh bị sậm màu. Ngoài ra, hãy chuẩn bị một ít ức gà, cắt thành miếng vừa ăn, thêm một ít nước tương nhạt và hạt tiêu rồi ướp với nhau. Ngoài ra, chuẩn bị thêm một ít cà rốt, dưa chuột và nấm đùi gà, cắt thành hạt lựu nhỏ.
2. Đun nóng rồi đổ dầu vào chảo, đồng thời cho vài lát tỏi vào cho đến khi dậy mùi thơm. Đổ thịt gà vào chiên khoảng một hoặc hai phút cho đến khi thay đổi màu sắc hoàn toàn rồi nhấc ra.
3. Cho tất cả nguyên liệu vào trừ dưa chuột thái hạt lựu, thêm một chút dầu rồi xào trên lửa vừa cho đến khi tất cả nguyên liệu chín.
4. Cho dưa chuột và thịt gà vào, thêm chút nước tương nhạt, dầu hào, muối rồi tiếp tục xào nhanh tay cho đến khi các nguyên liệu ngấm gia vị thì tắt bếp cho ra đĩa.
Nộm sâm đất
Nguyên liệu: sâm đất, dưa chuột, cà rốt, rau mùi, tỏi băm, ớt bột, gia vị cơ bản.
1. Đầu tiên, rửa sạch và gọt vỏ Sâm đất . Khi gọt vỏ nhớ loại bỏ hết phần trắng. Sau khi rửa sạch, thái sợi rồi cho vào nước để tránh bị oxy hóa.
2. Sau đó cắt nhỏ nửa quả dưa chuột và một ít cà rốt, băm nhỏ rau mùi và tỏi.
3. Sau khi mọi thứ đã sẵn sàng, vắt sạch nước ở sâm đất, cho dưa chuột, cà rốt, rau mùi, tỏi băm, thêm ớt bột, muối, đường, bột ngọt, xì dầu, giấm sao cho vừa khẩu vị của gia đình, rồi dùng đũa trộn đều. Khi thấy các nguyên liệu đã ngấm, bạn có thể dọn ra và thưởng thức.
Chè sâm đất và nấm tuyết
Nguyên liệu: sâm đất, nấm tuyết, kỳ tử, táo đỏ, đường phèn.
1. Nấm tuyết bẻ nhỏ rồi cho vào tô, đổ thêm nước vào để nấm nở. Khi sờ vào thấy nấm không còn cứng thì rửa sạch với 2 – 3 lần nước.
2. Sâm đất có xu hướng chuyển sang màu thâm đen sau khi cắt, vì vật tốt nhất nên sơ chế trước khi cho vào nồi. Đầu tiên, hãy rửa sạch lớp vỏ bên ngoài rồi gọt vỏ. Điều này có thể ngăn bụi bẩn bám vào cùi. Tiếp đó, bạn thái thành hạt lựu cho vừa ăn.
3. Tiếp đến, bạn cho nước vào nồi, sau đó cho nấm trắng vào nấu trong nửa giờ, không nên để lửa quá lớn.
4. Sau đó cho sâm đất và táo đỏ, kỳ tử vào, tiếp tục đun lửa vừa khoảng 20 phút cho đến khi tất cả chín đều, cuối cùng cho đường phèn, khuấy đều rồi tắt bếp, đậy nắp nồi và đợi trong 10 phút để chín đều. Sau đó, bạn có thể bày lên và thưởng thức, ăn nóng hoặc lạnh tùy sở thích của gia đình.
Khi sử dụng củ sâm đất, người thuộc nhóm đối tượng sau cần lưu ý.
1. Củ sâm đất không nên được tiêu thụ bừa bãi hoặc quá thường xuyên trong thời gian dài vì có thể dẫn tới ngộ độc cơ thể với triệu chứng như buồn nôn, toát mồ hôi, tiêu chảy, mất ngủ, dễ kích động, nổi mề đay.
2. Những đối tượng đang mắc bệnh viêm gan, viêm túi mật không nên ăn củ sâm vì có thể làm giảm sự thèm ăn.
3. Những người bị rối loạn chức năng thận hoặc bị bệnh gout đang điều trị bằng thuốc cũng không nên sử dụng củ sâm đất, vì sẽ ảnh hưởng tới tác dụng của thuốc điều trị.
4. Những người bị các bệnh lý ung thư đại tràng, đái tháo đường hoặc béo phì cũng không nên lạm dụng củ sâm đất.
5. Phụ nữ đang mang thai và trẻ nhỏ không được khuyến khích sử dụng củ sâm đất do ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe.
(Tổng hợp)
Theo: Afamily