Sắn chín tới quyện trong nước chè nâu vàng dẻo quánh, vị dịu ngọt thoảng mùi thơm ấm nóng của gừng, dừa nạo rất hấp dẫn. Đây là thức quà bình dân vào mùa đông của người Hà Nội.
Nguyên liệu
-
1 kg sắn trắng
-
1 nhánh gừng
-
150 – 200 gr đường phên/đường mật mía
-
50 – 60 gr bột sắn dây (hoặc bột năng)
-
1,4 lít nước
-
Dừa nạo
-
Muối tinh
Cách làm
-
Để làm chè sắn nên chọn sắn trắng bở, củ thuôn dài. Dùng dao sắc khứa hình chéo hình xoáy rồi bóc lột vỏ, cắt thành từng khúc ngâm vào nước muối loãng tối thiểu 2 – 3 giờ để loại bỏ độc tố. Sau đó, vớt ra rửa sạch.
-
Sắn đem luộc hoặc hấp vừa chín rồi lấy ra tách đôi, bỏ xơ ở lõi, cắt miếng vừa ăn. Chú ý không hấp hay luộc sắn bở quá, khi luộc hoặc hấp nên mở vung để loại bỏ độc tố còn dư trong sắn.
-
Dừa tươi nạo sợi. Để chè sắn lên màu nâu vàng đẹp mắt người Hà Nội xưa thường dùng đường phên/đường mật mía với màu nâu đỏ nguyên bản. Thêm chút gừng giúp tăng tính ấm nóng xua tan cái lạnh mùa đông. Ngày nay, để chè sắn thêm hương vị thì thêm chút lá dứa khi nấu tạo mùi thơm dịu ngọt.
-
Để sắn thấm vị đun 1/2 lượng đường phên với chút nước rồi cho sắn vào đảo qua cho vị ngọt quyện đều vào sắn. Múc sắn ra để riêng.
-
Cho 1,4 – 1,5 lít nước vào nồi vừa sên sắn, cho gừng và đường phên còn lại vào nồi đun sôi, hạ lửa nhỏ rồi khuấy cho đường tan hết. Sau đó, cho sắn trở lại vào nồi đun vài phút. Cuối cùng, pha bột sắn dây với chút nước rồi từ từ vừa đổ vào nồi chè, vừa khuấy đều. Khi nước chuyển màu trong, nồi chè sền sệt là được. Ở các hàng quán thường để nồi chè ở nhiệt nhỏ nhất để khi bán giữ được vị ấm nóng vào mùa đông. Khi ăn, múc chè sắn nóng ra bát, rắc thêm chút dừa nạo, thêm nước cốt dừa (tùy chọn) và thưởng thức.
-
Yêu cầu thành phẩm: Chè sắn thu hút bởi sắn trắng quyện trong nước chè nâu vàng dẻo quánh, vị dịu ngọt ấm nóng của gừng, thoảng hương thơm của dừa nạo rất hấp dẫn. Đây là thức quà vặt bình dân vào mùa đông được nhiều người Hà Nội yêu thích.
Chú ý:
-
Sắn nấu chè sắn là sắn trắng bở, không phải sắn dẻo. Sắn cần gọt vỏ, ngâm tối thiểu 2 giờ để loại bỏ độc tố.
-
Nên dùng bột sắn dây để nấu chè sẽ không bị vữa, tạo độ sánh tự nhiên.
-
Khi nấu chè, chú ý canh lửa để sắn chín tới, không bị bở quá cũng không bị sượng và khi quấy bột năng vào để lửa nhỏ để không bị bén đáy nồi.
-
Tùy theo khẩu vị mà điều chỉnh lượng đường cho phù hợp. Nếu không có đường phên dùng đường thốt nốt hoặc đường vàng hoa mai cũng được.
Tác giả: Bùi Thủy
Theo VnExpress