Cách pha nước mắm chua ngọt

Nước mắm sánh nhẹ, vị chua mặn ngọt hài hòa, thoảng chút the cay, màu sắc bắt mắt, phù hợp nhiều món như cơm tấm, bún thịt nướng, gỏi cuốn, chả giò.

Cách pha nước mắm chua ngọt

Nguyên liệu

  • 00 ml nước dừa tươi (1 quả dừa)

  • 200 ml nước mắm

  • 200 gr đường

  • 2 quả chanh

  • 1 thìa cà phê muối hạt

  • Tỏi, ớt

  • Lọ thủy tinh sạch

Cách làm

  1. Chuẩn bị nguyên liệu: Nên sử dụng nước mắm truyền thống khoảng 30 – 40 độ đạm. Tỷ lệ mắm, đường và nước dừa tươi (hoặc nước lọc) là 1:1:2, cụ thể 200 ml nước mắm, 200 gr đường, 400 ml nước dừa tươi. Thêm 1 thìa cà phê muối hạt giúp nước mắm chua ngọt để được lâu. Tùy theo khẩu vị mỗi gia đình và vùng miền mà điều chỉnh nguyên liệu cho phù hợp, nếu không có nước dừa thay bằng nước lọc và thêm 1/2 quả dứa chín, dùng đường phèn hoặc đường vàng đều được. 

    Cách pha nước mắm chua ngọt

  2. Nấu hỗn hợp nước mắm: Nên đun hỗn hợp nước mắm mặn ngọt kỹ hơi sánh sẽ bảo quản được lâu. 500 ml nước dừa tươi lọc qua rây cho vào nồi, thêm 200 gr đường vào đun sôi, khuấy đều cho tan. Sau đó, cho 200 ml nước mắm, 1 thìa cà phê muối vào, nêm nếm lại mặn ngọt sao cho hài hòa vừa khẩu vị. Tùy từng loại món ăn mà đun thời gian khác nhau. Nếu ăn bún thịt nướng, gỏi cuốn, bánh xèo, bánh cuốn, bánh khọt, hủ tiếc xào miền Nam chỉ cần đun sôi hỗn hợp mắm đường rồi tắt bếp để nguội. Còn nếu dùng ăn cơm tấm, chả giò, ram tôm đất, chấm ốc, hải sản nên đun mở vung một lúc cho tới khi hỗn hợp mắm đường hơi sánh nhẹ, tắt bếp để nguội hoàn toàn. 

    Cách pha nước mắm chua ngọt

  3. Chuẩn bị nguyên liệu khác: Tỏi bóc vỏ, băm nhỏ. Ớt bỏ hạt, băm nhỏ. Tùy theo khẩu vị thích ăn cay nhiều hoặc ít mà điều chỉnh lượng ớt cho phù hợp. Nếu nhà có trẻ nhỏ nên thay ớt hiểm cay bằng ớt sừng đỏ tạo màu bắt mắt. Chanh vắt lấy nước cốt, cạo một chút tép chanh để tạo dư vị riêng cho nước chấm. 

    Cách pha nước mắm chua ngọt

  4. Chuẩn bị lọ sạch: Nên sử dụng lọ thủy tinh rửa sạch, trụng tiệt trùng nước sôi rồi hong khô ráo hoàn toàn. Việc này giúp bảo quản nước mắm được lâu. 

    Cách pha nước mắm chua ngọt

  5. Trộn đều hỗn hợp mắm tỏi ớt: Khi nước mắm nguội hoàn toàn và sánh hơn, cho tỏi, ớt cùng nước cốt chanh vào khuấy đều là hoàn thiện. Cho hỗn hợp mắm đường vào lọ, đậy kín để ngăn mát tủ lạnh dùng dần cả tháng. Mỗi lần lấy, dùng thìa sạch múc với lượng đủ vừa ăn khá tiện lợn và nhanh gọn. 

    Cách pha nước mắm chua ngọt

  6. Yêu cầu thành phẩm: Nước mắm sánh nhẹ, vị chua mặn ngọt cay hài hòa, tỏi ớt nổi lên trên bắt mắt. Nước mắm này khá tiện lợi và dùng phổ biến được cho nhiều món ăn, đặc biệt là các món miền Nam.

Chú ý:

  • Nếu dùng nước mắm độ đạm cao hơn thì căn chỉnh lượng nước dừa,  đường tăng lên để hài hòa vị.

  • Vị chua có thể dùng chanh, quất hoặc giấm. Nên bỏ hạt và vắt nhẹ để hạn chế tinh dầu từ vỏ gây nhẩn đắng cho nước chấm.

  • Để bảo quản hàng tháng nên nấu sôi hỗn hợp mắm đường và tiệt trùng sạch lọ đựng.

Tác giả: Bùi Thủy

Theo VnEXpress

Gửi phản hồi