Đến bây giờ vẫn chưa xác định được mì Quảng ra đời từ bao giờ. Nhưng có một điều chắc chắn mì Quảng là món ăn dân dã, dễ chế biến và là đặc sản của người Quảng Nam.
Tráng mì Quảng – HỮU TRÀ
1 Tháng 6.2013, Tổ chức Kỷ lục VN xác nhận kỷ lục về tô mì Quảng lớn nhất VN, được làm từ 105 kg mì, đặt trọn trong chiếc tô có đường kính 3,6 m, cao 1,5 m, bên ngoài khảm sành cổ thời nhà Nguyễn. Những sợi mì Quảng này được các bà, các cô ở làng Phú Chiêm (xã Điện Phương, TX.Điện Bàn, Quảng Nam) cất công chọn gạo, vo, ngâm rồi xay thủ công trong những cối xay bằng đá.
Tô mì Quảng đúng nguyên bản Phú Chiêm
Để nấu nước nhưn (nước chan, miền Nam gọi là nước lèo) cho món mì Quảng, đặc biệt là tô mì nói trên, cần đến 50 kg thịt ba chỉ, tôm đất, cua đồng và hàng chục ký rau sống có nguồn gốc từ làng rau Trà Quế nổi tiếng ở Hội An.
Với món mì Quảng, nguyên liệu làm nước nhưn quan trọng nhất, nó quyết định sự thành bại, hấp dẫn, đậm đà và mang đặc trưng riêng biệt của món ăn. Đây cũng chính là lý do mà Tổ chức Kỷ lục châu Á quyết định chọn mì Quảng là một trong 12 món ăn VN đạt tiêu chí “Giá trị ẩm thực châu Á”.
2 Món mì Quảng dân dã, dễ chế biến. Ngoài nguyên liệu như thịt heo, tôm đất, cua đồng, những người nội trợ có tay nghề còn sử dụng cả cá lóc, lươn, ếch, gà để làm nước nhưn. Trong hầu hết các gia đình người Quảng, vào những dịp lễ lạt, giỗ chạp hay sau những vụ mùa, đãi đằng khách quý, món mì Quảng bao giờ cũng chiếm một vị trí trang trọng, không thể thiếu.
Người dân nơi đây thường nhắc khéo nhau cùng nhớ về mì Quảng qua những câu ca: “Ai ơi hãy đến xứ ta/Làm tô mì Quảng mà thương nhau cùng”; hay “Thương nhau múc bát chè xanh/Làm tô mì Quảng mời anh ăn cùng”…
Năm 2017, món mì Quảng cũng đã được lãnh đạo VN chọn lựa để đãi đằng khách quý là các đại biểu tham dự Tuần lễ cấp cao APEC 2017 tổ chức tại TP.Đà Nẵng. Cuối năm 2018, tỉnh Quảng Nam cử đoàn công tác sang Nhật Bản giới thiệu văn hóa, ẩm thực Quảng Nam nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao VN – Nhật Bản. Trong đoàn, có thêm 4 chuyên gia làm mì Quảng của khu du lịch Vinahouse. Họ được chọn sang tận xứ sở hoa anh đào để giới thiệu, trình diễn ẩm thực đặc trưng – mì Quảng theo “đúng nguyên bản mì Quảng của làng Phú Chiêm”.
Những người này mang theo nồi, niêu, xoong, chảo, tô, đũa… và cả đất sét để làm bếp nấu món mì Quảng. Họ “ra tay” vo gạo, ngâm, xay, tráng mì… sơ chế nguyên liệu như thịt heo, cua đồng, tôm làm nước nhưn và các loại rau sống, bánh tráng, ớt xanh, chanh, mắm… rồi lên mâm những tô mì thơm phức trước sự tò mò, thán phục về món ăn hấp dẫn, đậm đà của những vị khách chủ nhà Nhật Bản.
Trong nhiều thế kỷ, vùng đất Quảng Nam là nơi phát triển sầm uất của Đàng trong, được chúa Nguyễn Hoàng đặt dinh trấn vào năm 1602. Vùng đất này là nơi giao thoa của các nền văn hóa Sa Huỳnh, Chăm pa và cũng là nơi sớm mở cửa giao lưu kinh tế, văn hóa với nhiều nước phát triển ở châu Âu, châu Á.
Các nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng, nhờ có những lợi thế như vậy, Quảng Nam tiếp thu những tinh hoa từ nhiều nền văn hóa và chắt lọc tạo ra bản sắc riêng cho mình. Trong tiến trình chung đó, những món ăn truyền thống của người Quảng và đặc biệt là món mì Quảng chắc chắn cũng không ngoại lệ…
Có lẽ vì thế mà món mì Quảng cứ trường tồn và đeo đẳng trong tâm khảm người Quảng Nam chăng?
Theo Thanh niên online